
Ý nghĩa của workshop
Thưa các bạn. Ga 0 xin thông báo với các bạn một dự án mới của chúng tôi, – workshop về tác phẩm NGUỒN GỐC CỦA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (Der Ursprung des Kunstwerkes) của Heidegger, dự tính thực hiện vào tháng 9 năm 2017, với sự điều phối của dịch giả, nhà nghiên cứu triết học, tiến sĩ triết học Bùi Văn Nam Sơn.
Tác phẩm NGUỒN GỐC CỦA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (Der Ursprung des Kunstwerkes) của triết gia Martin Heidegger là một tác phẩm vô cùng quan trọng trong lịch sử triết học về nghệ thuật phương Tây. Việc cho đến gần đây độc giả Việt Nam, đặc biệt là các độc giả thuộc giới thực hành và nghiên cứu nghệ thuật chưa có điều kiện tiếp cận nó, và rồi cùng thảo luận với nó trong tiếng mẹ đẻ, là một thiệt thòi lớn. Như chúng ta đều biết, dẫu việc đọc triết học phương Tây trong nguyên bản là điều vô cùng cần thiết cho mọi nhà nghiên cứu, chỉ khi các khái niệm triết học trong nguyên bản đó được dịch sang ngôn ngữ mẹ đẻ của người đọc, được thảo luận trong ngôn ngữ mẹ đẻ của người đọc, thì khi đó chúng mới có thể trở nên sống động và có thể sinh sôi nảy nở trong tư tưởng để mở ra các chân trời mới.
Chính vì lẽ đó, Ga 0 đã đề nghị với dịch giả, nhà nghiên cứu triết học, tiến sĩ triết học Bùi Văn Nam Sơn một workshop về tác phẩm NGUỒN GỐC CỦA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (Der Ursprung des Kunstwerkes) của Heidegger. Và thật may mắn, dù vô cùng bận rộn, ông đã nhận lời. Bùi Văn Nam Sơn là dịch giả của bộ ba phê phán của Immanuel Kant, một số trước tác của Hegel, Husserl. Lý do Bùi Văn Nam Sơn là người có thẩm quyền duy nhất cho tới nay, để điều phối một workshop về Heidegger, đặc biệt về trước tác NGUỒN GỐC CỦA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (Der Ursprung des Kunstwerkes) của triết gia này, là bởi, chính Bùi Văn Nam Sơn là dịch giả của cuốn sách này sang tiếng Việt (sắp xuất bản). Bởi sự phức tạp của cuốn sách, cũng như của tư tưởng chung của triết học hiện tượng học Heidegger, một workshop giúp tạo các lối vào cuốn sách, để qua đó, giúp hình thành nên một cộng đồng người Việt đọc và diễn giải triết học về nghệ thuật của Heidegger là vô cùng cần thiết. Đây chính là mục tiêu cao nhất của workshop lần này.
Về những người tham dự workshop.
Bởi tính chuyên biệt và đặc thù của triết học về nghệ thuật cũng như triết học hiện tượng học nói chung của Heidegger, đây sẽ không phải là một workshop đăng kí tự do. Tất cả những người được tham dự vào workshop sẽ đến từ 4 nguồn.
Nguồn 1: Do tuyển lựa từ ga 0 (chủ yếu là các nghệ sĩ/giám tuyển có quan tâm tới triết học về nghệ thuật của Heidegger)
Nguồn 2: Do tuyển lựa từ anh Hoàng Phong Tuấn, một trong những nhân tố đồng tổ chức workshop của Ga 0. Anh Hoàng Phong Tuấn là giảng viên môn Tiếp nhận nghệ thuật tại trưởng đại học sư phạm TP HCM
Nguồn 3: Từ chính lớp học triết học của thầy Bùi Văn Nam Sơn
Nguồn 4: Sẽ có 3 suất đăng kí tự do. Những ngưởi đăng kí tự do sẽ phải viết một bài luận khoảng (dài nhất) 2 trang A4 nói về lý do vì sao muốn tham dự workshop. Trong bài luận này họ cần cho thấy một nền tảng nào đó, về nghệ thuật, văn chương hay triết học, tức điều giúp thấy rõ rằng họ có thể theo được workshop này.
Thời gian của workshop
Workshop sẽ diễn ra làm hai đợt. Đợt đầu sẽ được tiến hành trước đợt hai khoảng 1 tháng. Trong đợt đầu, tất cả những người tham dự workshop sẽ cùng đọc bản dịch tác phẩm NGUỒN GỐC CỦA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (Der Ursprung des Kunstwerkes) của thầy Bùi Văn Nam Sơn. Các thắc mắc và quan tâm sẽ được tổng hợp lại để đưa vào thảo luận trong phần hai của workshop, là lúc sẽ có sự xuất hiện của thầy Bùi Văn Nam Sơn.
Phần hai, khi có sự xuất hiện của thầy Bùi Văn Nam Sơn, dự định diễn ra trong 1 tháng. 1 tuần 3 buổi. Mỗi buổi 2-3 tiếng. Tổng cộng là 12 buổi, và địa điểm của workshop sẽ là tại Ga 0.
Workshop này được thực hiện với sự tài trợ toàn bộ từ viện Goethe Hà Nội. Xin chân thành cảm ơn